Khẩu độ là gì?

Một trong 3 thắc mắc gây đau đầu nhất cho những người mới bước chân vào nhiếp ảnh đó là khẩu độ là gì?, tốc độ màn trập là gì iso máy ảnh là gì.

Trong đó, khẩu độ có lẻ là yếu tố được quan tâm nhiều nhất bởi lẻ nó chính là yếu tố quyết định đến khả năng xóa phông của một ống kính.

Trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp đầy đủ nhất những kiến thức cơ bản về khẩu độ, giúp bạn hiểu và vận dụng nó để có được 1 bức ảnh ưng ý.

More...

Vậy, khẩu độ là gì?

khẩu-độ-là-gì-lá-khẩu

Định nghĩa: Khẩu độ là độ mở của ống kính giúp điều tiết lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến của máy ảnh.

Máy ảnh điều chỉnh tăng giảm khẩu độ thông qua việc đóng hoặc mở các lá khẩu.

Những ảnh hưởng của khẩu độ đến bức ảnh của bạn

Độ phơi sáng - Exposure

Khẩu độ ảnh hưởng rất nhiều đến các hiệu ứng của một bức ảnh, trong đó có độ phơi sáng - exposure.

Nói một cách đơn giản, khẩu độ giúp bạn điều chỉnh độ sáng của một bức ảnh.

Khi bạn mở khẩu lớn, lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến sẽ nhiều, giúp ảnh sáng hơn. Và ngược lại, khi mở khẩu bé, lượng ánh sáng vào đến cảm biến ít, khiến ảnh tối hơn.

Vì vậy, khi chụp ảnh ở những môi trường thiếu sáng, bạn nên mở khẩu lớn hết cỡ để thu được lượng ánh sáng nhiều nhất có thể.

Độ sâu trường ảnh - Depth of Field

Ngoài việc tác động đến độ sáng của bức ảnh, khẩu độ còn trực tiếp tác động đến độ sâu trường ảnh (depth of field - dof)

Độ sâu trường ảnh (Depth of Field) là thuật ngữ dùng để diễn tả vùng rõ nét của một bức ảnh.

Một bức ảnh được gọi là "mỏng", hay "có dof mỏng", là khi ảnh chỉ lấy nét ở chủ thể, còn những phần còn lại (hậu cảnh, tiền cảnh,...) hoàn toàn mờ.

Một bức ảnh được gọi là "dày", hay "có dof dày" là khi ảnh lấy nét cả chủ thể lẫn hậu cảnh.

Khẩu độ càng lớn thì dof càng mỏng, giúp ảnh càng xóa phông nhiều. Và ngược lại, khẩu độ càng nhỏ thì ảnh càng xóa phông ít.

khẩu-độ-là-gì-độ-sâu-trường-ảnh-dof

Đây là lý do bạn luôn muốn mở khẩu tối đa khi chụp ảnh chân dung. Ngoài ra, khẩu độ lớn còn đem lại hiệu ứng Bokeh tuyệt đẹp cho bức ảnh của bạn.

Nếu bạn có hứng thú về ảnh chân dung, hãy xem qua top những bức ảnh chân dung đẹp được chụp bởi các nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới.

Mặc khác, khi chụp ảnh phong cảnh, bạn nên để khẩu độ nhỏ để có thể lấy được nhiều chi tiết của bức ảnh.

F-stop, F-số trong khẩu độ là gì?

Ở phần phía trên, mình chỉ nhắc đến độ lớn của khẩu độ bằng tính từ: to, nhỏ.

Nhưng thực tế, giá trị của khẩu độ được kí hiệu bằng: f-số hay còn được gọi là f-stop (f-stop thường được thấy khi bạn đọc các tài liệu bằng tiếng Anh).

Trên màn hình máy ảnh của bạn, giá trị của khẩu độ được viết theo dạng Fsố (ví dụ: F8) hoặc F/số (ví dụ: F/8)

f-stop-khẩu-độ-là-gì

Nếu để ý, trị số khẩu độ của máy ảnh thường là một dãy số cố định. Ví dụ: F4, F5.6, F8, F11, F16, F22.

Bảng khẩu độ - f-stop

Và dãy số này thường giống nhau ở các máy ảnh, bạn không thể chọn khẩu độ ngẫu nhiên được (ví dụ máy ảnh sẽ không cho bạn chọn khẩu độ F4.3).

Như thế nào là khẩu độ lớn, khẩu độ nhỏ

Đây là phần khiến nhiều người mới tìm hiểu về nhiếp ảnh bị nhầm lẫn.

Giả sử bạn vào 1 group nhiếp ảnh, hỏi về kinh nghiệm chụp ảnh phong cảnh. Chắc chắn bạn sẽ nhận được những lời khuyên đại loại như:

 “Khép khẩu lại”, hay là "để khẩu nhỏ nhỏ thôi".

Ủa vậy thì khẩu như thế nào là lớn, khẩu như thế nào là nhỏ?

Phần này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.

f-số bé thì khẩu lớn, f-số lớn thì khẩu nhỏ.

Bang-khau-do-trong-nhiep-anh-khau-do-la-gi

Ví dụ: F1.4 sẽ lớn hơn F8, còn F8 thì sẽ lớn hơn F11.

Lý do: thực chất chữ F trong khẩu độ chính là viết tắt của focal length (độ dài tiêu cự).

F1.4 có nghĩa là độ dài tiêu cự chia cho 1.4, F8 có nghĩa là độ dài tiêu cự chia cho 8.

Cái này giống toán lớp 3 vậy, 1/1.4 thì sẽ lớn hơn 1/8 => F1.4 lớn hơn F8 (hi vọng bạn còn nhớ toán lớp 3).

Nên hãy nhớ khẩu độ chính là một dạng phân số, mẫu số càng lớn thì giá trị của số đó càng nhỏ.

=> F-số càng lớn thì khẩu độ càng nhỏ.

khẩu-độ-f-2-vs-f-10

Sau này nếu ai đó khuyên bạn “khép khẩu”, hay để khẩu nhỏ để chụp ảnh phong cảnh, có nghĩa rằng họ đang nói đến F8, F11, F16.

Còn nếu ai đó gợi ý bạn chọn khẩu độ lớn để chụp được những bức ảnh chân dung đẹp, xóa phông. Hãy nhớ người đó đang đề cập đến F1.4, F1.8, F2.8.

Khẩu độ tối đa là gì? – Giới hạn của ống kính

Mọi lens đều có giới hạn khẩu độ tối đa và tối thiểu.

Tên của một lens luôn có 2 phần cơ bản là [độ dài tiêu cự] + [khẩu độ tối đa].

Ví dụ: Lens Sony E 35mm F1.8 - có nghĩa đây là lens fix, có độ dài tiêu cự là 35mm và có khẩu độ tối đa là F1.8

Ong_kinh_Sony_E_35mm_F1.8_OSS

1.8/35 có nghĩa là lens có giá trị khẩu độ tối đa = f/1.8 và độ dài tiêu cự cố định 35mm

Giá trị khẩu độ tối đa rất quan trọng. Nó giúp bạn biết được khả năng xóa phông cũng như khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng của 1 lens.

Nên lens có khẩu độ tối đa càng lớn thì càng đắt tiền!

Giá trị khẩu độ tối thiểu thường ít được đề cập hơn vì hiện nay đa số các lens đều có khẩu độ tối thiểu là f/22, và trong thực tế, bạn cũng không cần dùng mức khẩu độ bé hơn con số đó.

Với một số zoom lens, giá khẩu độ tối đa sẽ thay đổi khi bạn zoom.

Ví dụ như Lens Sony E 55-210mm F4.5-6.3 OSS. Lens có giá trị khẩu độ tối đa thay đổi trong khoảng f4.5 đến f6.3 khi bạn zoom từ  55 đến 210mm.

Ong_kinh_Sony_E_55-210mm_OSS

Sony E 55-210mm F4.5-6.3 OSS

Để khắc phục điều phiền toái này, bạn chỉ việc... mua lens đắt tiền hơn. Vì những lens zoom đắt tiền thường có khả năng giữ nguyên khẩu độ.

Cách chọn khẩu độ hợp lý

Sau khi đã nắm những kiến thức cơ bản về khẩu độ, giờ mình sẽ hướng dẫn cho bạn cách chọn khẩu độ hợp lý.

Hãy nhớ lại phần trên, 2 ảnh hưởng quan trọng nhất của khẩu độ đến một bức ảnh là độ sâu trường ảnhđộ sáng.

Tăng khẩu độ sẽ giúp tăng sáng, tăng khả năng xóa phông. Giảm khẩu độ sẽ làm giảm sáng, tăng độ chi tiết của bức ảnh.

Tùy vào mục đích của bức ảnh mà bạn sẽ ưu tiên cho độ sáng hoặc độ sâu trường ảnh.

Bang-khau-do-trong-nhiep-anh-3

Bạn cũng không cần phải quá lo lắng khi ảnh quá sáng hoặc quá tối sau khi bạn chọn xong khẩu độ. Thường thì bạn có thể dùng tốc độ màn trập, hoặc iso để bù sáng cho ảnh.

Cài đặt khẩu độ trên máy ảnh

Để có thể tự do điều chỉnh khẩu độ của máy, bạn phải cài máy ở các chế độ cho phép bạn chỉnh khẩu độ một cách thủ công như chế độ Ưu tiên khẩu (ký hiệu là A, hoặc Av) hoặc chế độ M - chế độ chỉnh tay hoàn toàn (ký hiệu là M).

Bạn thường có thể chuyển chế độ chụp bằng cách xoay bánh răng ở góc phải trên của máy.

Trong chế độ Ưu tiên khẩu, máy sẽ tự động chỉnh tốc độ màn trập cho bạn. Còn trong chế độ M, bạn phải chỉnh thủ công mọi thứ. 

Mình sẽ viết kĩ hơn về các setting của máy ảnh ở những bài viết tới.

Kết luận

Khẩu độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nhiếp ảnh.

Nó có tác động trực tiếp đến nhiều yếu tố trong nhiếp, nhưng trong giới hạn của bài viết này, mình chỉ đề cập đến 2 yếu tố quan trọng nhất là độ phơi sáng (exposure) và độ sâu trường ảnh (dof).

Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn nắm được một cách đầy đủ nhất những kiến thức cơ bản của khẩu độ, và những ứng dụng của khẩu độ trong nhiếp ảnh.

Nếu bạn muốn biết thêm những kỹ thuật chụp ảnh cơ bản, hãy xem trang ​tự học chụp ảnh của mình nhé.

Có bất cứ thắc mắc, góp ý nào, bạn hãy comment phía dưới, mình sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất 😉

  • >